Bản giao hưởng số 25 của Mozart
“Một thiên tài thực sự mà lại không có tâm hồn thì quả thực là một sự phi lý hoàn toàn” – Mozart (Thư viết ngày 11.04.1787)
Wolfgang Amadeus Mozart, có lẽ không ai đề cập đến âm nhạc mà lại bỏ sót tên ông. Đài BBC trong chương trình "giới thiệu các nhà soạn nhạc bất hủ", ngay sau khi kể lại đời Jean Sebastien Bach, tiếp nối đã không ngần ngại gọi Mozart là “Vị thần linh của âm nhạc”, dù khẳng định Mozart và cả Beethoven luôn nghe thấy nhạc của Bach trong đầu.
Đã hơn hai thế kỷ qua người ta không ngừng nghe Mozart. Một trong những bức chân dung đẹp nhất của ông để lại có màu nâu và vàng nhạt, chói lọi ánh sáng trắng, vẽ ông thuở thanh niên. Cặp mắt to ngước lên, trán rộng, môi thanh tú tươi tắn, mũi vì nhìn thẳng nên không thấy khoằm, tất cả là đôi mắt, mênh mang, thông minh tuyệt đỉnh, đa sầu đa cảm, thiên tài mệnh bạc.
Tại sao người ta nghe ông mãi? Người ta không yêu một cái gì không thực sự là gắn bó, thiết thân với mình, như một nhu cầu tất yếu, như tấm ván vớt thân giữa dòng. Bởi Mozart là người bạn đường trong cuộc đời, người đồng hành vĩnh cửu, nhà văn hào viết bằng âm thanh mà tiểu thuyết bao trùm hết tất cả những gì con người có thể cảm nhận trong đời sống, cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Mozart không chỉ miêu tả, ông không ngừng vỗ về, an ủi, mở ra nguồn hy vọng, và tuyệt vời nhất, nâng tâm hồn ta lên một trạng thái tinh thần khó diễn tả, vốn là yếu tố quyết định nhất trong việc đánh giá nghệ thuật của ông.
Mozart chào đời tại Salzbourg bên Áo ngày 27.01.1756. Cha ông, Leopold Mozart – vĩ cầm thủ trong ban nhạc triều đình đồng thời cũng là nhà sư phạm danh tiếng, đã cho Mozart và cô chị gái Nannerl tiếp cận âm nhạc rất sớm, hiểu ngay rằng cậu con trai có tư chất thần đồng. Mới 5 tuổi, Mozart đã viết bản nhạc đầu tiên cho đàn clavecin. Âm hưởng nhí nhảnh vui tươi này tiên báo phần lớn phong cách âm nhạc của ông trong quãng đời ngắn ngủi có 35 năm (1756 – 1791) mà danh cầm Yehudi Menuhin tóm gọn: “Thượng đế cho chúng ta một món quà siêu nhiên rồi sau đó lại vội vàng cất đi!”.
Năm lên 6, Mozart cùng cô chị đã được ông bố cho đi trình diễn khắp châu Âu như niềm kinh ngạc xen lẫn thán phục của nhiều triều đình. Vào cuối thế kỷ 18, toàn cảnh âm nhạc Châu Âu đều như muốn dợm bước chuyển sang trang mới. Thể nhạc baroque của cung đình và nhà thờ dường mòn mỏi, nhường chỗ cho một nền âm nhạc có tính quần chúng hơn, phục vụ cho sự đi lên của giai cấp trung lưu. Gia đình nhạc sư Jean Sebastien Bach đã sang định cư ở Luân Đôn, thủ phủ của thể nhạc hòa tấu trong nhà. Khuynh hướng mới cũng tạo ra nhu cầu một thế hệ các nhà soạn nhạc mới, lãng mạn hơn, phổ cập hơn.
Đến Luân Đôn vào lúc 8 tuổi, thần đồng Mozart cũng đã hiểu được trào lưu này qua giao hưởng khúc đầu đời của ông. Chỉ 2 năm sau thôi, bản giao hưởng số 10 mang tên “Kỳ diệu” (mở đầu trầm trọng với cả giàn nhạc và bộ gió rồi tiếng vĩ cầm bỗng uyển chuyển, nhẹ lén đi vào) đã chứng tỏ bản lĩnh đáng kinh ngạc của một cậu bé mới lên 10. Cho đến năm 15 thì Mozart đã hoàn thiện tất cả các kỹ năng, và có lẽ ông chín mùi nhất ở tuổi 25.
Nhưng năm Mozart 14 tuổi cũng là một cột mốc đáng ghi nhớ. Thấy con đã sẵn sàng cho cả thế giới, ông bố Leopold hiểu rằng lãnh vực công chúng xác định tài năng và đưa con mình lên đài vinh quang phải là nhạc kịch. Lúc ấy người Ý đang thống trị opéra ở Châu Âu, và cạnh tranh với những người như Salieri không phải là điều dễ dàng, nhưng vở opéra đầu tiên của Mozart “Mitridate Re Di Ponto” trình diễn đã thành công lớn, gây phấn khởi cho các vở kế tiếp.
Vì vậy mà năm Mozart 17 tuổi, gia đình ông đã đủ sung túc để dọn đến một khu sang trọng ở Salzbourg trong căn hộ 4 phòng. Mozart đã có thể ở nhà sáng tác nhiều hơn là đi lưu diễn. Những sáng tác liên tục cho thấy giai đoạn tập sự của ông đã kết thúc, còn kinh nghiệm soạn nhạc kịch của ông ngày càng gây ảnh hưởng lớn. Bản concerto cung La trưởng soạn cho đàn violon và giàn nhạc viết năm 1775 được coi như danh tác đầu tiên thời thanh niên cho thể loại concerto này. Khi cây solo xuất hiện thính giả đã phải kinh ngạc vì người gây ý tưởng mới cho cây đàn violon đầy yểu điệu mà không kém phần chững chạc này lại chỉ là chàng trai mới 19 tuổi.
Kế đó là bản giao hưởng cũng cung La trưởng, nhạc đề chính mới nghe đã phải thích ngay, mở đầu như bâng khuâng, như tự hỏi. Bởi chàng thanh niên Mozart cũng bắt đầu biết yêu, bị từ khước và đau khổ. Năm 1778, Mozart cùng mẹ đến Paris, một trong những kinh đô âm nhạc của Châu Âu, bởi cha ông vẫn chưa thấy con mình được một chức vụ nào tương xứng. Hai mươi hai tuổi, Mozart hiểu rằng ông phải chinh phục công chúng Paris, bản giao hưởng mang tên thành phố này rõ ràng được viết đầy chủ ý với hai hành âm đầu và cuối cả giàn nhạc được chỉ định phải chơi thật lớn. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên Mozart biết đến thảm kịch, khi ông đang viết thư cho cha khoe thành công của hòa tấu khúc thì mẹ ông qua đời ở phòng bên cạnh. Đây cũng là minh chứng về tính tiên tri của người nghệ sĩ, hành âm cuối rất khó diễn tấu, nhưng cả giao hưởng lại da diết, sâu sắc như linh cảm bi kịch.
Không nơi nào ở Pháp cho Mozart một vị trí xứng đáng, năm 1779 ông lại phải trở về quê nhà Áo. “Sao mà tôi ghét Salzbourg thế !” Mozart viết như vậy trong một bức thư, “Salzbourg không có opéra, không có nhà hát, đây không phải là chỗ xứng đáng với tài năng của tôi!”. người đã từng là vinh quang của Châu Âu nay trở về sống dưới ảnh hưởng của ông bố trong một tỉnh lẻ. Giải đáp duy nhất cho tình thế khó khăn này là thủ đô Vienna.
Năm 1780, vua Joseph Đệ Nhị lên ngôi kế tục cho vương triều Habsbourg, vị hoàng đế say mê âm nhạc này sẽ khiến Vienna trải qua mấy thập kỷ huy hoàng nhất trong lịch sử kinh thành. Ông giải phóng nông dân, cắt quyền lợi quý tộc và đưa giai cấp trung lưu lên cao. Quan trọng nhất là Joseph Đệ Nhị đề cao tự do ngôn luận. Tháng 6 năm 1781, Mozart đến Vienna đúng lúc đạo luật này được ban hành. Quảng trường lớn lót đá thô với nhà thờ đặc trưng kiến trúc phương Đông cho đến ngày nay vẫn hầu như còn nguyên như lúc Mozart đến. Ông hiểu rằng đây chính là nơi ông chờ đợi, bởi cho đến lúc đó Vienna là nơi tự do nhất, trí thức nhất và hấp dẫn nhất của cả Châu Âu.
Chỉ 3 tháng sau khi đến Vienna, Mozart đã viết xong vở nhạc kịch “Bắt cóc ở Hoàng Cung”, đặc biệt đây là vở opéra bằng tiếng Đức, thay vì thông thường bằng tiếng Ý. Đó cũng là bởi chính hoàng đế Joseph Đệ Nhị muốn đây phải là một biến cố có tầm cỡ quốc gia, một vở opéra bằng tiếng Đức. Trái hẳn với truyền thống baroque cũ, Mozart là người rất am hiểu việc viết cho giọng hát phải như thế nào, và vở nhạc kịch đã đánh dấu thành công của ông ở Vienna. Ông sớm gia nhập giới trí thức ở đây và trở thành hội viên Tam Điểm. Thật ra mục đích chính của hội này cũng chỉ là để truyền bá ánh sáng của khoa học và triết học mới, nhất là những thành tựu tinh thần từ bên Pháp. Những bản concerto cho đàn piano đẹp nhất của ông cũng được viết trong thời gian này. Xuất hiện trước thính giả Vienna, Mozart cùng lúc đóng 3 vai trò : nhà soạn nhạc, người trình tấu đồng thời cũng là người biến tấu ngẫu hứng.
Năm 1782, Mozart cưới cô Constanze Weber dù cuộc hôn nhân không được ông bố Leopold chấp thuận : “Cô ta không đẹp và cũng không xấu, nhưng cô ta yêu tôi và tôi yêu cô ta, tôi còn mong gì hơn?”. Trong lần trở về thăm cha ở Salzbourg như để hòa giải, Mozart viết bản “Thánh lễ cung Do thứ” như sự sám hối tội lỗi đã làm cho ông bố buồn. Từ đó ông không bao giờ trở lại quê nhà nữa.
Tại Vienna, Mozart vẫn không ngừng được kích thích bởi những ý tưởng mới, các bản tứ tấu và ngũ tấu trong thời gian này như xúc tích hơn, già dặn hơn. Danh tiếng và vinh quang, ông cùng vợ dọn đến ở tại khu trung tâm, trong căn nhà sau này mang danh “Ngôi nhà của Figaro”. Ông bố Leopold đến thăm vợ chồng một lần vào năm 1784, nhạc sư Haydn cũng là khách thường xuyên, còn phải kể một lần có vị khách đặc biệt là nhà soạn nhạc đến từ Bonn mới 16 tuổi : Ludwig Van Beethoven.
Cột mốc trong thời gian này là vở nhạc kịch “Đám cưới Figaro”, nhưng thành công ở Vienna không thể so sánh với cơn bão ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc, nhà hát nơi Mozart trình diễn vở này cho đến nay vẫn còn nguyên. Tính cách mạng của vở này đầy sức tiên tri vì chỉ 3 năm sau là cuộc cách mạng 1789 ở Pháp bùng nổ làm rung chuyển cả Châu Âu.
Không từ bỏ nguồn vui sáng tạo, Mozart viết một bản giao hưởng mang tên Prague như để đền ơn thành phố mến mộ ông, và sau đó vở nhạc kịch vĩ đại “Don Giovanni” cũng mang đặc tính chất Tiệp. Dư luận chê Mozart đã đi quá xa những định chế luân lý khi tạo ra một nhân vật phóng túng, nhưng chương cuối khủng khiếp với ba giọng hát và hai giàn nhạc chồng lên nhau của vở này có lẽ sẽ còn đọng mãi trong ký ức của người yêu âm nhạc.
Năm 1787, người cha của Mozart qua đời, cũng là năm đánh dấu bước ngoặt bi thảm trong đời ông. Kinh tế Vienna sa sút, Mozart đã qua tuổi 30, không còn là bộ mặt mới mẻ của kinh thành nữa, gió đã xoay chiều với ông, những đề nghị viết nhạc vơi dần. Chỉ riêng trong mùa hè năm 1788, ông đã viết rất nhanh xong 3 hòa tấu khúc cuối cùng, trong đó nổi bật nhất là giao hưởng mang số 40. Khó ai có thể cưỡng được một cảm xúc âm nhạc mãnh liệt khi hành âm Molto Allegro đầu cất lên, dù được viết trong một hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1791, như ngọn đèn loé sáng trước khi tắt, Mozart lại thành công với vở “Cây sáo thần” và vẫn hạnh phúc với vợ và hai con trai, dọn đến một chỗ ở mới. Các đơn đặt hàng lại đến, trong đó một công tước góa vợ đặt viết bản “Cầu hồn”, một Requiem không bao giờ hoàn tất vì vào ngày 18 tháng 11 ông lâm trọng bệnh, có lẽ là chứng suy thận nặng, ông chết ngày 05.12.1791. Lúc đó ở Vienna lại có bệnh dịch lây lan và không chắc ông qua đời vì bệnh dịch này không, chỉ đau xót rằng người ta đã chôn ông vội vàng cùng với nhiều người bị dịch khác trong hầm mộ tập thể. Vì thế ông đâu có yên nghỉ dưới ngôi mộ đẹp lúc nào cũng đầy hoa như ngày nay, trang trí bằng một cây cột ionique gẫy, một thiên thần tay bóp trán suy tư đứng tựa ở dưới. Nhưng ông yên vị mãi trong con tim của những người yêu quý ông, và Haydn bảo sau khi Mozart chết: “Có lẽ cả trăm năm nữa thế giới cũng không thể biết thêm một thiên tài tương tự”.
Mozart không chỉ để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ. Vượt lên trên những ganh ghét đố kỵ tầm thường của người đồng thời, ông chỉ cặm cụi với niềm đam mê duy nhất, để lại tấm gương muôn đời rằng: muốn bước vào ngôi đền nghệ thuật thì phải có TÀI và một cái TÂM trong sáng, như trẻ thơ.
Wolfgang Amadeus Mozart, có lẽ không ai đề cập đến âm nhạc mà lại bỏ sót tên ông. Đài BBC trong chương trình "giới thiệu các nhà soạn nhạc bất hủ", ngay sau khi kể lại đời Jean Sebastien Bach, tiếp nối đã không ngần ngại gọi Mozart là “Vị thần linh của âm nhạc”, dù khẳng định Mozart và cả Beethoven luôn nghe thấy nhạc của Bach trong đầu.
Đã hơn hai thế kỷ qua người ta không ngừng nghe Mozart. Một trong những bức chân dung đẹp nhất của ông để lại có màu nâu và vàng nhạt, chói lọi ánh sáng trắng, vẽ ông thuở thanh niên. Cặp mắt to ngước lên, trán rộng, môi thanh tú tươi tắn, mũi vì nhìn thẳng nên không thấy khoằm, tất cả là đôi mắt, mênh mang, thông minh tuyệt đỉnh, đa sầu đa cảm, thiên tài mệnh bạc.
Tại sao người ta nghe ông mãi? Người ta không yêu một cái gì không thực sự là gắn bó, thiết thân với mình, như một nhu cầu tất yếu, như tấm ván vớt thân giữa dòng. Bởi Mozart là người bạn đường trong cuộc đời, người đồng hành vĩnh cửu, nhà văn hào viết bằng âm thanh mà tiểu thuyết bao trùm hết tất cả những gì con người có thể cảm nhận trong đời sống, cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Mozart không chỉ miêu tả, ông không ngừng vỗ về, an ủi, mở ra nguồn hy vọng, và tuyệt vời nhất, nâng tâm hồn ta lên một trạng thái tinh thần khó diễn tả, vốn là yếu tố quyết định nhất trong việc đánh giá nghệ thuật của ông.
Mozart chào đời tại Salzbourg bên Áo ngày 27.01.1756. Cha ông, Leopold Mozart – vĩ cầm thủ trong ban nhạc triều đình đồng thời cũng là nhà sư phạm danh tiếng, đã cho Mozart và cô chị gái Nannerl tiếp cận âm nhạc rất sớm, hiểu ngay rằng cậu con trai có tư chất thần đồng. Mới 5 tuổi, Mozart đã viết bản nhạc đầu tiên cho đàn clavecin. Âm hưởng nhí nhảnh vui tươi này tiên báo phần lớn phong cách âm nhạc của ông trong quãng đời ngắn ngủi có 35 năm (1756 – 1791) mà danh cầm Yehudi Menuhin tóm gọn: “Thượng đế cho chúng ta một món quà siêu nhiên rồi sau đó lại vội vàng cất đi!”.
Năm lên 6, Mozart cùng cô chị đã được ông bố cho đi trình diễn khắp châu Âu như niềm kinh ngạc xen lẫn thán phục của nhiều triều đình. Vào cuối thế kỷ 18, toàn cảnh âm nhạc Châu Âu đều như muốn dợm bước chuyển sang trang mới. Thể nhạc baroque của cung đình và nhà thờ dường mòn mỏi, nhường chỗ cho một nền âm nhạc có tính quần chúng hơn, phục vụ cho sự đi lên của giai cấp trung lưu. Gia đình nhạc sư Jean Sebastien Bach đã sang định cư ở Luân Đôn, thủ phủ của thể nhạc hòa tấu trong nhà. Khuynh hướng mới cũng tạo ra nhu cầu một thế hệ các nhà soạn nhạc mới, lãng mạn hơn, phổ cập hơn.
Đến Luân Đôn vào lúc 8 tuổi, thần đồng Mozart cũng đã hiểu được trào lưu này qua giao hưởng khúc đầu đời của ông. Chỉ 2 năm sau thôi, bản giao hưởng số 10 mang tên “Kỳ diệu” (mở đầu trầm trọng với cả giàn nhạc và bộ gió rồi tiếng vĩ cầm bỗng uyển chuyển, nhẹ lén đi vào) đã chứng tỏ bản lĩnh đáng kinh ngạc của một cậu bé mới lên 10. Cho đến năm 15 thì Mozart đã hoàn thiện tất cả các kỹ năng, và có lẽ ông chín mùi nhất ở tuổi 25.
Nhưng năm Mozart 14 tuổi cũng là một cột mốc đáng ghi nhớ. Thấy con đã sẵn sàng cho cả thế giới, ông bố Leopold hiểu rằng lãnh vực công chúng xác định tài năng và đưa con mình lên đài vinh quang phải là nhạc kịch. Lúc ấy người Ý đang thống trị opéra ở Châu Âu, và cạnh tranh với những người như Salieri không phải là điều dễ dàng, nhưng vở opéra đầu tiên của Mozart “Mitridate Re Di Ponto” trình diễn đã thành công lớn, gây phấn khởi cho các vở kế tiếp.
Vì vậy mà năm Mozart 17 tuổi, gia đình ông đã đủ sung túc để dọn đến một khu sang trọng ở Salzbourg trong căn hộ 4 phòng. Mozart đã có thể ở nhà sáng tác nhiều hơn là đi lưu diễn. Những sáng tác liên tục cho thấy giai đoạn tập sự của ông đã kết thúc, còn kinh nghiệm soạn nhạc kịch của ông ngày càng gây ảnh hưởng lớn. Bản concerto cung La trưởng soạn cho đàn violon và giàn nhạc viết năm 1775 được coi như danh tác đầu tiên thời thanh niên cho thể loại concerto này. Khi cây solo xuất hiện thính giả đã phải kinh ngạc vì người gây ý tưởng mới cho cây đàn violon đầy yểu điệu mà không kém phần chững chạc này lại chỉ là chàng trai mới 19 tuổi.
Kế đó là bản giao hưởng cũng cung La trưởng, nhạc đề chính mới nghe đã phải thích ngay, mở đầu như bâng khuâng, như tự hỏi. Bởi chàng thanh niên Mozart cũng bắt đầu biết yêu, bị từ khước và đau khổ. Năm 1778, Mozart cùng mẹ đến Paris, một trong những kinh đô âm nhạc của Châu Âu, bởi cha ông vẫn chưa thấy con mình được một chức vụ nào tương xứng. Hai mươi hai tuổi, Mozart hiểu rằng ông phải chinh phục công chúng Paris, bản giao hưởng mang tên thành phố này rõ ràng được viết đầy chủ ý với hai hành âm đầu và cuối cả giàn nhạc được chỉ định phải chơi thật lớn. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên Mozart biết đến thảm kịch, khi ông đang viết thư cho cha khoe thành công của hòa tấu khúc thì mẹ ông qua đời ở phòng bên cạnh. Đây cũng là minh chứng về tính tiên tri của người nghệ sĩ, hành âm cuối rất khó diễn tấu, nhưng cả giao hưởng lại da diết, sâu sắc như linh cảm bi kịch.
Không nơi nào ở Pháp cho Mozart một vị trí xứng đáng, năm 1779 ông lại phải trở về quê nhà Áo. “Sao mà tôi ghét Salzbourg thế !” Mozart viết như vậy trong một bức thư, “Salzbourg không có opéra, không có nhà hát, đây không phải là chỗ xứng đáng với tài năng của tôi!”. người đã từng là vinh quang của Châu Âu nay trở về sống dưới ảnh hưởng của ông bố trong một tỉnh lẻ. Giải đáp duy nhất cho tình thế khó khăn này là thủ đô Vienna.
Năm 1780, vua Joseph Đệ Nhị lên ngôi kế tục cho vương triều Habsbourg, vị hoàng đế say mê âm nhạc này sẽ khiến Vienna trải qua mấy thập kỷ huy hoàng nhất trong lịch sử kinh thành. Ông giải phóng nông dân, cắt quyền lợi quý tộc và đưa giai cấp trung lưu lên cao. Quan trọng nhất là Joseph Đệ Nhị đề cao tự do ngôn luận. Tháng 6 năm 1781, Mozart đến Vienna đúng lúc đạo luật này được ban hành. Quảng trường lớn lót đá thô với nhà thờ đặc trưng kiến trúc phương Đông cho đến ngày nay vẫn hầu như còn nguyên như lúc Mozart đến. Ông hiểu rằng đây chính là nơi ông chờ đợi, bởi cho đến lúc đó Vienna là nơi tự do nhất, trí thức nhất và hấp dẫn nhất của cả Châu Âu.
Chỉ 3 tháng sau khi đến Vienna, Mozart đã viết xong vở nhạc kịch “Bắt cóc ở Hoàng Cung”, đặc biệt đây là vở opéra bằng tiếng Đức, thay vì thông thường bằng tiếng Ý. Đó cũng là bởi chính hoàng đế Joseph Đệ Nhị muốn đây phải là một biến cố có tầm cỡ quốc gia, một vở opéra bằng tiếng Đức. Trái hẳn với truyền thống baroque cũ, Mozart là người rất am hiểu việc viết cho giọng hát phải như thế nào, và vở nhạc kịch đã đánh dấu thành công của ông ở Vienna. Ông sớm gia nhập giới trí thức ở đây và trở thành hội viên Tam Điểm. Thật ra mục đích chính của hội này cũng chỉ là để truyền bá ánh sáng của khoa học và triết học mới, nhất là những thành tựu tinh thần từ bên Pháp. Những bản concerto cho đàn piano đẹp nhất của ông cũng được viết trong thời gian này. Xuất hiện trước thính giả Vienna, Mozart cùng lúc đóng 3 vai trò : nhà soạn nhạc, người trình tấu đồng thời cũng là người biến tấu ngẫu hứng.
Năm 1782, Mozart cưới cô Constanze Weber dù cuộc hôn nhân không được ông bố Leopold chấp thuận : “Cô ta không đẹp và cũng không xấu, nhưng cô ta yêu tôi và tôi yêu cô ta, tôi còn mong gì hơn?”. Trong lần trở về thăm cha ở Salzbourg như để hòa giải, Mozart viết bản “Thánh lễ cung Do thứ” như sự sám hối tội lỗi đã làm cho ông bố buồn. Từ đó ông không bao giờ trở lại quê nhà nữa.
Tại Vienna, Mozart vẫn không ngừng được kích thích bởi những ý tưởng mới, các bản tứ tấu và ngũ tấu trong thời gian này như xúc tích hơn, già dặn hơn. Danh tiếng và vinh quang, ông cùng vợ dọn đến ở tại khu trung tâm, trong căn nhà sau này mang danh “Ngôi nhà của Figaro”. Ông bố Leopold đến thăm vợ chồng một lần vào năm 1784, nhạc sư Haydn cũng là khách thường xuyên, còn phải kể một lần có vị khách đặc biệt là nhà soạn nhạc đến từ Bonn mới 16 tuổi : Ludwig Van Beethoven.
Cột mốc trong thời gian này là vở nhạc kịch “Đám cưới Figaro”, nhưng thành công ở Vienna không thể so sánh với cơn bão ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc, nhà hát nơi Mozart trình diễn vở này cho đến nay vẫn còn nguyên. Tính cách mạng của vở này đầy sức tiên tri vì chỉ 3 năm sau là cuộc cách mạng 1789 ở Pháp bùng nổ làm rung chuyển cả Châu Âu.
Không từ bỏ nguồn vui sáng tạo, Mozart viết một bản giao hưởng mang tên Prague như để đền ơn thành phố mến mộ ông, và sau đó vở nhạc kịch vĩ đại “Don Giovanni” cũng mang đặc tính chất Tiệp. Dư luận chê Mozart đã đi quá xa những định chế luân lý khi tạo ra một nhân vật phóng túng, nhưng chương cuối khủng khiếp với ba giọng hát và hai giàn nhạc chồng lên nhau của vở này có lẽ sẽ còn đọng mãi trong ký ức của người yêu âm nhạc.
Năm 1787, người cha của Mozart qua đời, cũng là năm đánh dấu bước ngoặt bi thảm trong đời ông. Kinh tế Vienna sa sút, Mozart đã qua tuổi 30, không còn là bộ mặt mới mẻ của kinh thành nữa, gió đã xoay chiều với ông, những đề nghị viết nhạc vơi dần. Chỉ riêng trong mùa hè năm 1788, ông đã viết rất nhanh xong 3 hòa tấu khúc cuối cùng, trong đó nổi bật nhất là giao hưởng mang số 40. Khó ai có thể cưỡng được một cảm xúc âm nhạc mãnh liệt khi hành âm Molto Allegro đầu cất lên, dù được viết trong một hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1791, như ngọn đèn loé sáng trước khi tắt, Mozart lại thành công với vở “Cây sáo thần” và vẫn hạnh phúc với vợ và hai con trai, dọn đến một chỗ ở mới. Các đơn đặt hàng lại đến, trong đó một công tước góa vợ đặt viết bản “Cầu hồn”, một Requiem không bao giờ hoàn tất vì vào ngày 18 tháng 11 ông lâm trọng bệnh, có lẽ là chứng suy thận nặng, ông chết ngày 05.12.1791. Lúc đó ở Vienna lại có bệnh dịch lây lan và không chắc ông qua đời vì bệnh dịch này không, chỉ đau xót rằng người ta đã chôn ông vội vàng cùng với nhiều người bị dịch khác trong hầm mộ tập thể. Vì thế ông đâu có yên nghỉ dưới ngôi mộ đẹp lúc nào cũng đầy hoa như ngày nay, trang trí bằng một cây cột ionique gẫy, một thiên thần tay bóp trán suy tư đứng tựa ở dưới. Nhưng ông yên vị mãi trong con tim của những người yêu quý ông, và Haydn bảo sau khi Mozart chết: “Có lẽ cả trăm năm nữa thế giới cũng không thể biết thêm một thiên tài tương tự”.
Mozart không chỉ để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ. Vượt lên trên những ganh ghét đố kỵ tầm thường của người đồng thời, ông chỉ cặm cụi với niềm đam mê duy nhất, để lại tấm gương muôn đời rằng: muốn bước vào ngôi đền nghệ thuật thì phải có TÀI và một cái TÂM trong sáng, như trẻ thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét